Ngày đăng bài: 08/05/2019 09:32
Lượt xem: 1759
KHI HƠI THỞ HÓA THINH KHÔNG
Như con chim trước khi chết, lao vào bụi gai và cất lên tiếng hát vĩnh biệt, tiếng hát đẹp nhất mà nó từng hát. Câu chuyện này cũng là bài ca của người chuẩn bị ra đi …

Khi hơi thở hoá thinh không

Tôi nghĩ bạn cũng sẽ khóc khi đọc cuốn sách này. Vì vậy, hãy sẵn sàng. Hãy ngồi xuống. Để xem dũng khí là thế nào. Bỏ điện thoại sang một bên. Dừng lại để chuẩn bị lắng nghe và trải nghiệm cuộc đối thoại với một tâm hồn đặc biệt.

...Và mở sách ra...
------------------------------------


🔸 Cái chết có đáng sợ không? Ung thư có đáng sợ không?

Bóng ma của hai chữ "ung thư" đang bao phủ khắp thế giới, vì người ta mặc định đó là nan y, là sự đau đớn tột cùng trước khi từ giã thế gian này. “

"Khi hơi thở hóa thinh không” – là câu chuyện của một bệnh nhân ung thư đặc biệt – một bác sĩ.

Điều gì làm cho cuộc đời con người có ý nghĩa?

Câu hỏi ấy đã khởi lên trong tâm trí Paul Kalanithi từ khi anh mới mười ba mười bốn tuổi. Khởi đầu bằng sự đam mê văn chương thông qua những tác phẩm kinh điển: “Hamlet đã đồng hành với tôi hàng nghìn lần trong suốt thời khủng hoảng tuổi dậy thì” – cho tới câu hỏi triết học kinh điển
“Tôi thấy văn học là công cụ biểu đạt tốt nhất về đời sống của một tâm hồn. Văn học không chỉ chiếu rọi trải nghiệm của một ai đó, mà tôi tin rằng nó còn cung cấp nguồn nguyên liệu phong phú nhất cho những ngẫm suy về đạo đức” – anh viết.

Hai phần ba cuốn sách là cuốn phim sống động về cuộc sống của một bác sĩ thực hành, từ phòng mổ xác tới phòng đẻ, từ phẫu thuật sản khoa tới phẫu thuật thần kinh sọ não. Ta cũng chứng kiến sự mệt mỏi, quá sức, cường độ làm việc căng thẳng cực độ của bác sĩ giải phẫu thần kinh. Làm việc tới cả 100 giờ/tuần, áp lực không ngừng và stress tới độ nhiều bác sĩ đã phải từ bỏ công việc hoặc tệ hơn là nhảy lầu tự tử.

Nhưng, căng thẳng hơn là những câu hỏi: Liệu kiến thức có là đủ khi sự sống và cái chết luôn cùng được đặt trên bàn cân? Có những thời điểm mà câu hỏi không chỉ đơn thuần là sống hay chết mà còn là cuộc sống nào đáng giữ để sống? Cuộc đời nào có thể cứu, cuộc đời nào không, và cuộc đời nào không nên cứu?

Trong cuốn sách, Paul kể câu chuyện về V, một hình mẫu đạo đức của một nhà khoa học tài năng mà anh ngưỡng mộ. Khi V phát hiện bị ung thư và đối mặt với cái chết, ông đã hỏi Paul “Cậu có nghĩ cuộc đời tôi có ý nghĩa gì không? Liệu tôi có lựa chọn đúng hay không?”.

Paul nhận ra rằng: “Hầu hết chúng ta đang sống với sự nhận biết thụ động về cái chết – đó là điều xảy ra với bạn và những người xung quanh bạn. Nhưng chúng tôi (các bác sĩ) được đào tạo để chủ động giao chiến với cái chết, vật lộn với nó – và trong lúc làm điều đó, trực diện với câu hỏi về ý nghĩa của cuộc đời”.

Paul đã trải qua những năm tháng ngắn ngủi cuối cùng trong cuộc chiến với bệnh tật, để trở lại phòng mổ, rồi lại phải đối mặt với bệnh tật cho tới lúc buông tay.Trong những tháng ngày tuyệt vọng ấy, anh nhận ra ý nghĩa của cuộc đời: Đó là đức tin và tình yêu thương: “Tôi quay trở lại những giá trị trung tâm của Thiên Chúa giáo: Sự hy sinh, chuộc tội, tha thứ - bởi vì tôi thấy chúng thật hấp dẫn. Tôi tin rằng thông điệp chính của chúa Jesus là lòng nhân ái luôn luôn chiến thắng”.

Câu cuối cùng của cuốn sách, anh dành cho con gái: “Con đã từng lấp đầy tháng ngày của một người đàn ông đang chết, bằng một niềm vui chan chứa, niềm vui của sự thỏa mãn, bình an”

🔸 Về tác giả:

Paul Kalanithi tốt nghiệp Stanford với bằng cử nhân và thạc sĩ Văn học Anh; thạc sĩ Lịch sử và triết học khoa học, y học tại Cambridge. Tốt nghiệp xuất sắc tại trường Y thuộc đại học Yale. Tiến sĩ về khoa học thần kinh tại Stanford, đoạt giải thưởng cao quý nhất của Hiệp hội Phẫu thuật thần kinh Hoa Kỳ.
Anh qua đời năm 2015, khi mới 37 tuổi. Cuốn tự truyện: “Khi hơi thở hóa thinh không” của anh là cuốn sách bestseller ngay sau khi ra mắt.
[Nguồn: Sưu tầm] 

------------------------
P.s. Liên hệ THƯ VIỆN ĐẠI HỌC KHÁNH HÒA để có bản ebook cho cuốn sách này
#Sách_hay_mỗi_ngày #thuviendaihockhanhhoa