Để phát triển các dịch vụ thông tin trong môi trường TVĐH cần có hình thức tiếp thị dịch vụ tới các đối tượng người sử dụng dịch vụ. Mục đích của tiếp thị chính là làm chủ được thị trường thông tin, đưa được nhiều sản phẩm tới người sử dụng dịch vụ hơn, tiếp cận đúng khách hàng tiềm năng và khách hàng mục tiêu của từng loại hình dịch vụ. Đồng thời vượt xa các đối thủ cạnh tranh và ngày càng phát triển lớn mạnh. Tuy nhiên, trong thời đại cạnh tranh gay gắt như ngày này, việc tiếp cận người sử dụng dịch vụ ngày càng khó, sự xuất hiện của các đơn vị cung cấp thông tin và hệ thống tìm kiếm thông tin lớn mạnh trên internet đã tạo ra một thị trường cạnh tranh khốc liệt. Hiện tại, để người sử dụng tin tưởng và sử dụng các dịch vụ thông tin do TVĐH cung cấp, thư viện không chỉ phải đảm bảo người sử dụng biết đến thương hiệu của mình. Mà cần đảm bảo họ hiểu được giá trị mà dịch vụ thư viện cung cấp. Đó là các dịch vụ thông tin: Mang lại giá trị và nguồn cảm hứng cho người sử dụng; Mang lại sự tin tưởng vào thương hiệu và nguồn nhân sự; Đảm bảo người sử dụng dịch vụ TTTV luôn đọc được những phản hồi tích cực về thương hiệu của bạn trên internet; Tạo dựng được mối quan hệ lâu dài, bền vững với người sử dụng. Chính vì vậy việc nhận diện các xu hướng tiếp thị dịch vụ TTTV rất quan trọng trong hoạt động của TVĐH trong bối cảnh của nền công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
1. Tìm hiểu về tiếp thị và tiếp thị điện tử
1.1. Các khái niệm tiếp thị cơ bản
Tiếp thị (marketing)
Thuật ngữ “Marketing” hay được gọi là “tiếp thị” đã được nhắc đến từ rất sớm trong những nghiên cứu và thảo luận của lĩnh vực TTTV. Theo Từ điển giải thích thuật ngữ thư viện học ALA: “Tiếp thị thông tin thư viện là tất cả các hoạt động có mục đích cổ vũ cho sự trao đổi và đáp ứng giữa nhà cung cấp dịch vụ thư viện và truyền thông với người đang sử dụng hay sẽ có thể là người sử dụng những dịch vụ này”. [ tr 127, 9].
Theo Suzanne Walters, “Tiếp thị là những hoạt động tạo ra các sản phẩm thư viện cho người dùng tin. Nó không chỉ là quảng cáo hay quan hệ công chúng. Nó bao gồm nghiên cứu thị trường, phân tích tiềm năng, các chương trình hiện có và các dịch vụ, thiết lập mục tiêu và đối tượng, sử dụng khả năng thuyết phục trong giao tiếp. Nói cách khác, tiếp thị là những gì bạn làm hàng ngày để khách hàng đánh giá cao những gì bạn đã làm cho họ và bạn làm điều đó như thế nào” [8]
Tiếp thị điện tử (Digital Marketing)
Tiếp thị điện tử (Digital Marketing) là hình thức tiếp thị cho phép thư viện sử dụng các công cụ và công nghệ dựa trên website và các thiết bị di động thông minh để đưa sự hiện diện của thương hiệu TVĐH đến khắp mọi nơi. Trong khi nhiều TVĐH vẫn tiếp tục sử dụng các chiến lược tiếp thị truyền thống trong nhiều thế kỷ qua, tiếp thị điện tử chính là một bước tiến hoàn toàn có thể vượt qua được tiếp thị truyền thống. Tiếp thị điện tử cho phép thư viện đưa dịch vụ của mình đến đúng người đúng thời điểm. TVĐH chỉ cần nhắm mục tiêu vào đúng khách hàng tiềm năng, vạch kế hoạch tiếp thị các dịch vụ điện tử của thư viện, nắm bắt tốt xu hướng của tiếp thị, chắc chắn các dịch vụ của thư viện sẽ thành công.
1.2. Sự cần thiết phải tiếp thị các dịch vụ thông tin trong hoạt động dịch vụ thông tin thư viện
Các TVĐH ở Việt Nam đang trong thời kỳ hội nhập quốc tế, điều đó có nghĩa các thư viện phải đối mặt với những thay đổi và cần phải thay đổi chiến lược quản lý của mình để có thể đáp ứng được áp lực cạnh tranh ở cấp độ quốc tế; Bên cạnh đó cùng với nhu cầu thông tin, kỳ vọng của người sử dụng yêu cầu ngày càng cao, điều này đòi hỏi các TVĐH phải có chiến lược phát triển hoạt động tiếp thị dịch vụ thư viện để đưa đưa dịch vụ tiếp cận được với người sử dụng nhiều hơn.
Các mạng lưới thông tin quốc gia và khu vực đang được thay thế bởi sự toàn cầu hóa thông tin bằng cơ sở dữ liệu và ngân hàng dữ liệu quốc tế. Vấn đề này đã đưa thế giới gần nhau hơn trong việc chia sẻ thông tin một cách tinh vi hơn so với trước đây. Điều này đồng nghĩa với việc đặt ra thách thức lớn cho các thư viện nói chung; Vấn đề lạm phát, kinh phí và nhân viên bị cắt giảm và sự cạnh tranh ngày càng tăng từ viễn thông đã tạo ra những thách thức lớn trong hoạt động của các thưviện;
Tiếp thị dịch vụ thông tin tại TVĐH sẽ giúp người sử dụng hiểu rõ hơn các đặc trưng cụ thể của mỗi sản phẩm và dịch vụ của thư viện để họ có thể lựa chọn các sản phẩm và dịch vụ phù hợp với nhu cầu của bản thân. Lúc này người sử dụng sẽ cảm thấy hài lòng hơn và khả năng quay trở lại để tiếp tục sử dụng các sản phẩm và dịch vụ thư viện càng tăng [2].
Những hoạt động tiếp thị dịch vụ điện tử sẽ giúp kết nối với người sử dụng dịch vụ thường xuyên và nhanh chóng. Việc tương tác này sẽ giúp cho các thư viện dễ dàng nắm bắt được những thay đổi nhu cầu của người sử dụng một cách kịp thời. Từ đó, thư viện sẽ đưa ra những điều chỉnh phù hợp với những nhu cầu này. Điều này giúp thư viện gắn kết hơn với người sử dụng, biến thư viện dần trở thành một phần trong cuộc sống của người sử dụng dịch vụ thông tin.
Như vậy tiếp thị dịch vụ thông tin là một hoạt động đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động của TVĐH. Nhờ có tiếp thị mà dịch vụ và sản phẩm của thư viện không trở nên khác biệt nếu khách hàng của thư viện không hiểu được sự khác biệt.
2. Các xu hướng phát triển hoạt động tiếp thị trong hệ thống Thư viện đại học
2.1 Xu hướng phát triển các hình thức tiếp thị trực tuyến thông qua mạng xã hội
Có đến gần 2,8 tỷ người sử dụng mạng xã hội trên toàn thế giới, chiếm khoảng 1/3 số người dùng mạng internet [5]. Điều này đồng nghĩa với bạn không thể bỏ qua mạng xã hội khi bắt đầu phát triển tiếp thị dịch vụ. Mạng xã hội là nơi có thể giúp thư viện có được một mối quan hệ chặt chẽ với người sử dụng dịch vụ thư viện. Một số kênh tiếp thị qua mạng xã hội phổ biến được sử dụng trong môi trường TVĐH Việt Nam:
+ Youtube: Được sở hữu bởi Google, Youtube hiện đang là công cụ tìm kiếm lớn thứ 2 trên thế giới. Youtube hiện tại đang bùng nổ điên cuồng, với 60% người thích xem nó hơn ti vi, theo Google cũng đã nghiên cứu và cho thấy trong chưa đến 10 năm nữa, một nửa người xem dưới 32 tuổi sẽ không còn trả tiền cho dịch vụ ti vi nữa. Đây là một nơi lý tưởng để đưa video đến với người dùng khi họ bắt đầu tìm kiếm. Kể cả những người không biết gì về thư viện của bạn cũng có thể thấy qua nó khi đang tìm kiếm thông tin về một chủ đề nào đó. Nhìn chung, Youtube là một nền tảng tuyệt vời để tương tác với khách hàng, TVĐH có thể sử dùng nhiệu loại video khác nhau để làm việc đó.
+ Facebook là một trong những mạng xã hội mạnh mẽ nhất hiện nay. Hiện tại đang có hơn một tỷ người dùng trên toàn thế giới, rất có thể những người mà dịch vụ thư viện muốn tiếp cận đều ở trên Facebook. Theo Pew, 79% người sử dụng Internet đều sử dụng Facebook. Vậy có nghĩa, hoạt động tiếp thị dịch vụ của TVĐH bắt buộc phải có Facebook. Có thể sử dụng rất nhiều công cụ của Facebook. Bạn có thể sử dụng Messenger, Nhóm và Video trực tiếp. Facebook Page có gần như đầy đủ thông tin như Trang cá nhân, cho phép bạn chia sẻ hình ảnh, video và cập nhật trạng thái. Để có một Facebook Page đạt hiệu quả tốt, cần tương tác với nó mỗi ngày. Có thể là đăng một vài viết của bạn hoặc chia sẻ nội dung từ một website nào đó. Sau đó trả lời tin nhắn và comment.
+ Instagram: Được tạo dựng chủ yếu về hình ảnh, Instagram là một nền tảng tuyệt vời cho hoạt động tiếp thị. Nó thật sự rất phổ biến và hiện tại đang có đến 600 triệu người dùng đang hoạt động. TVĐH sử dụng Instagram để đăng lại các hình ảnh liên quan đến dịch vụ thông tin nhằm tiếp thị tới người sử dụng. Ví dụ: Hình ảnh xử lý nghiệp vụ tài liệu, hình ảnh số hoá thông tin, hình ảnh bạn đọc sử dụng các dịch vụ tại chỗ,… tất cả những thứ đó có thể khiến cho TVĐH đến gần hơn với người dùng. Instagram luôn luôn hoạt động và phản hồi nhanh. Sử dụng Instagram một cách hiệu quả và bạn sẽ sớm tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng hơn.
Ngoài việc có một khối lượng lớn đối tượng mục tiêu, hầu hết các mạng xã hồi đều có thêm lợi thế về phân tích, cung cấp thông tin về đối tượng của bạn nhiều hơn bao giờ hết. Tóm lại, mạng xã hội sẽ là một phương tiện chính cho sự tiếp cận các đối tượng người sử dụng của TVĐH. Một số mạng xã hội nổi tiếng hiện nay là Youtube, Instagram, Twitter, Linkedln, và Facebook. Ứng dụng những nền tảng này vào hoạt động tiếp thị dịch vụ thư viện sẽ góp phần xây dựng và phát triển hình ảnh, thương hiệu của thư viện trong kỉ nguyên của cách mạng công nghệ 4.0.
2.2. Xu hướng tiếp thị qua Video
Hiện nay trong hệ thống TVĐH Việt Nam, nhiều loại hình video đã được đưa lên cổng thông tin điện tử chính thống của thư viện để tiếp thị cho một loại hình dịch vụ nào đó mà thư viện đang tiến hành. Điển hình có các loại hình video tiếp thị sau:
+ Video giới thiệu: tập trung vào những người đang muốn tìm kiếm và tìm hiểu về thư viện. Nó sẽ cho khách hàng biết tất cả về thư viện, sản phẩm và dịch vụ của bạn. Video giải thích cần phải ngắn gọn, tập trung vào điểm chính của thư viện và cho khách hàng biết TVĐH đáp ứng được nhu cầu của họ về những vấn đề gì.
+ Video giáo dục, các dịch vụ chuyên môn: dạng video này chia sẻ những thông tin về nhiều khía cạnh của sản phẩm và dịch vụ của TVĐH. Nó có thể hướng dẫn người sử dụng cách sử dụng dịch vụ hoặc cách thu được nhiều thứ hơn từ dịch vụ của thư viện. Những video này sẽ thu hút mọi người tìm kiếm những thông tin cụ thể.
+ Video Livestream. Thay vì tải lên các bức ảnh hoặc video thông thường, TVĐH hoàn toàn có thể xây dựng nội dung cho một Video Livestream.
Các chuyên gia tiếp thị dự đoán xu hướng video này có thể tăng trong 2 năm tới. Theo nghiên cứu, 80% người dùng thích xem Video Livetream hơn việc phải đọc các bài viết. Video Livestream cũng giúp tương tác trực tiếp với người xem. Vì vậy TVĐH nên ưu tiên tạo ra các Video Livestream để tiếp thị các dịch vụ mới của mình, đặc biệt là các dịch vụ cần sự tương tác cao với người sử dụng.
Với xu hướng tiếp thị dịch vụ thư viện qua video, TVĐH sẽ phải đưa ra những ý tưởng, xây dựng kịch bản cho video để hoàn thành nó. Khi video của thư viện đã sẵn sàng để đưa lên Youtube, các TVĐH sử dụng Youtube SEO để đảm bảo mọi người có thể nhìn thấy có và có thể thấy nó qua kết quả tìm kiếm ở cả Youtube và Google.
2.3. Xu hướng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong tiếp thị dịch vụ
Trí tuệ nhân tạo (AI) đã được ứng dụng trong rất nhiều mục đích khác nhau để thu thập dữ liệu khách hàng. Trong hoạt động dịch vụ của thư viện, trí tuệ nhân tạo giúp TVĐH tổng hợp và phân tích hành vi thông tin của người sử dụng dịch vụ, đưa ra các dự báo về nhu cầu tin. Trong hoạt động tiếp thị dịch vụ, các TVĐH ngày nay thường dùng hộp thư trả lời thư tự động của thư viện, sử dụng trí tuệ nhân tạo trong ứng dụng thông báo sách mới theo diện nhu cầu tin của bạn đọc, hiện nay thì Chatbox đang dần được ưa chuộng hơn. Về cơ bản, chatbot có thể hiểu như một AI. Nó hoạt động độc lập, có thể tự động trả lời những câu hỏi hoặc xử lý tình huống.
Chatbox ra đời cho phép bạn tương tác tức thì với khách hàng, hơn nữa việc cài đặt lại đơn giản và miễn phí. Một ví dụ nữa của chatbox có thể kể tới đó là hộp thoại đại diện thư viện tự động “nhảy ra” khi bạn truy cập vào một website nào đó. Các dịch vụ thông tin điện tử tại TVĐH thông qua mạng Internet ngày càng phát triển, kéo theo các hình thức chăm sóc khách hàng cũng dần chuyển hướng từ hotline, email sang hộp message trên mạng xã hội. Người sử dụng muốn được trả lời ngay lập tức vì thế họ tìm đến mạng xã hội bất kì lúc nào vì sự tiện dụng nó mang lại. Thư viện trả lời khách hàng càng nhanh, người sử dụng dịch vụ càng hài lòng.
2.4. Xu hướng người sử dụng dịch vụ thư viện tham gia tích cực vào các hoạt động tiếp thị
Trong khái niệm tiếp thị, có khách hàng bên ngoài (người sử dụng) và khách hàng nội bộ (người làm thư viện). Tiếp thị thư viện không chủ trương tập trung vào vấn đề tiền bạc, mà hơn thế, nó là vấn đề về thúc đẩy một thái độ cần được phổ biến trong toàn bộ thư viện; đó là lý do tại sao nó ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của thư viện. Các dịch vụ của TVĐH đều đang tập trung nâng cao chất lượng và hướng đến sự hài lòng của người sử dụng vì trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gia tăng của ngành giải trí, giáo dục và văn hoá, thư viện cần giữ lại đặc trưng của mình và thể hiện là một lựa chọn hấp dẫn đối với người sử dụng. Công việc thư viện trong tương lai không còn thiên quá nhiều về việc cung cấp càng nhiều tài liệu và thông tin được xử lý chất lượng cao càng tốt mà sẽ liên quan đến việc càng có nhiều người sử dụng thường xuyên hài lòng cao nhất càng tốt.
Thư viện có thể phát triển các dịch vụ không chỉ cho người sử dụng dịch vụ mà cùng với người sử dụng dịch vụ. Tiếp thị mối quan hệ có nghĩa là tham gia, đối thoại cùng với người sử dụng, coi người sử dụng là đối tác. Nếu người sử dụng cũng được cùng tham gia ví dụ trong các buổi tập huấn cho người sử dụng và các hoạt động khác, thường sẽ dẫn đến phát triển và tối ưu hoá các dịch vụ. Thư viện nên khuyến khích người sử dụng đóng góp vào sự phát triển thư viện. Khách hàng của chúng tôi - những người sử dụng năng động, cũng như những người đến thăm thư viện - có rất nhiều tiềm năng. Họ chính là người đưa ra ý tưởng và thúc đẩy các dịch vụ thư viện. Vì vậy, cần đưa ra định hướng người sử dụng ở một chiều hướng hoàn toàn mới.
Hiện nay nhiều TVĐH sử dụng đội ngũ cộng tác viên là những người đại diện cho nhóm khách hàng mục tiêu mà thư viện hướng đến để thiết kế các thông điệp phù hợp với từng nhóm người sử dụng nhất định. Hơn nữa việc người sử dụng dịch vụ tham gia vào việc phát triển hình ảnh của thư viện bằng cách viết bài cảm nhận về thư viện, hình ảnh cán bộ thư viện, tham gia thiết kế logo thư viện,… đã tạo ra sự tương tác tốt và tạo hiệu ứng trong tiếp thị hình ảnh thư viện. Những đóng góp, phản hồi của người sử dụng dịch vụ cũng là cơ sở tốt nhất để TVĐH cải tiến và nâng cao chất lượng hoạt động tiếp thị. Sự xuất hiện của xu hướng này giúp TVĐH tiếp kiệm được nguồn nhân lực trong việc xây dựng và tiến hành các chương trình tiếp thị dịch vụ hiệu quả, tiết kiệm chi phí thực hiện và xây dựng được các chương trình phù hợp với từng đối tượng mục tiêu.
2.5. Xu hướng tiếp thị quá các thiết bị điện tử di động thông minh
Nhu cầu lướt web bằng các thiết bị di động là vô cùng lớn và nếu trang web của các TVĐH không hỗ trợ cho di động thì họ sẽ mất đi một lượng lớn người sử dụng truy cập và sử dụng các dịch vụ của thư viện. Một vài số liệu chứng minh tầm quan trọng của thiết bị này: Điện thoại di động là phương tiện dùng để duyệt web phổ biến nhất, chiếm 51,4%. Laptop đứng vị trí thứ 2, chiếm 43,4%. Khoảng 70% các tìm kiếm được thực hiện trên thiết bị di động trong năm nay. Do đó, nếu thư viện không chuẩn bị chiến lược cho thiết bị di động, bạn chỉ có thể tiếp thị 30% còn lại. Do đó, những người thiết kế và phát triển nội dung tiếp thị dịch vụ phải đáp ứng và thích nghi được với môi trường/ thiết bị của người sử dụng về kích thước màn hình, trạng thái xoay hay đứng, khả năng tương thích với các thiết bị và hỗ trợ trên nhiều trình duyệt có độ phân giải màn hình khác nhau để có thể co dãn theo từng kích cỡ màn hình một cách linh hoạt. Ngoài ra, các TVĐH cần đơn giản hoá cho thiết kế trang web phiên bản di động về thiết kế, bố cục và điều hướng để tạo ra một thiết kế đẹp được tối ưu hoá cho di động với rất nhiều công cụ hữu ích.
Việc phát triển tiếp thị dịch vụ trên nền các thiết bị di động là một xu thế phát triển cần phải có tính sáng tạo, thông minh, có mục tiêu và hiệu quả về thời gian để phục vụ cho yêu cầu tiếp thị và thoả mãn nhu cầu thay đổi thường xuyên của người sử dụng dịch vụ ở bất kỳ điểm nào, bất kỳ thời gian nào và trong bất kỳ trường hợp nào. Do đó, các TVĐH cần tăng cường việc tối ưu hoá trang web trên các thiết bị di động ngay từ lúc này để tăng số người truy cập cho trang web, để giữ chân người sử dụng với trang web và quan trọng nhất là để giúp thư viện đạt được hiệu quả cao trong hoạt động của mình trong môi trường Internet.
Người sử dụng dịch vụ còn có xu hướng tìm kiếm thông tin bằng giọng nói thông qua các công nghệ như: smartphone, loa thông minh, laptop, máy tính bảng. Đến năm 2020, 50% các truy vấn tìm kiếm sẽ được thực hiện bằng giọng nói. Tiếp thị nội dung qua tìm kiếm bằng giọng nói là xu hướng các từ khóa dài và các câu hội thoại. Tiếp thị tìm kiếm bằng giọng nói từ nội dung tiếp thị khá dễ dàng, bởi không khó để đưa những đoạn hội thoại có từ khóa vào nội dung của mình.
2.6. Xu hướng trải nghiệm khách hàng sẽ phát triển
Tiếp thị trải nghiệm khách hàng là đảm bảo cho khách hàng có trải nghiệm tốt khi thư viện tiếp thị cho họ. Trải nghiệm khách hàng rất quan trọng. Cách nhìn của khách hàng đối với dịch vụ TTTV hoặc thương hiệu của bạn là tổng số trải nghiệm họ đã có với bạn. Tạo trải nghiệm tốt với khách hàng giúp TVĐH xây dựng được sự trung thành với thương hiệu. Giữa hai đơn vị cung cấp thông tin cùng tổ chức một loại hình dịch vụ, thư viện nào mang đến trải nghiệm dịch vụ tốt hơn sẽ được người sử dụng lựa chọn. Để làm tốt hình thức tiếp thị này, mọi thứ phải sẵn sàng cho di động.
2.7. Xu hướng tiếp thị nội dung sẽ trở nên quan trọng hơn
Tiếp thị nội dung (Content marketing) ngày nay mang đến tính hiệu quả rất lớn. Đó là bởi vì giữa vô vàn thông tin hiện nay và thói quen lười đọc của những người hiện đại, họ chỉ thích đọc những thông tin đã được chọn lọc, những thông tin bổ ích hoặc chất lượng. Cùng với một số yếu tố như hình ảnh minh họa đẹp thì nội dung đang là một trong những xu hướng tiếp thị hiện đại mà các TVĐH cần quan tâm. Trong việc tiếp thị các dịch vụ điện tử, Bị ấn tượng bởi 1, 2 con chữ tiêu đề hay một hình ảnh đẹp, cách bài trí bài viết độc đáo người sử dụng sẽ nhấp vào tham khảo bài viết của thư viện.
Kết luận
Cập nhật liên tục những xu hướng marketing mới nhất là một trong những con đường đi tới thành công. Những nhà tiếp thị dịch vụ tài năng là người có thể nhìn thấy được trước hành vi của khách hàng trong tương lai. Áp dụng đúng các xu hướng tiếp thị, TVĐH có thể có thêm nhiều khách hàng mới đồng thời sẽ làm gia tăng sự gắn bó của những khách hàng cũ. TVĐH hoàn toàn có thể thành công nhờ nắm bắt các xu hướng tiếp thị để linh hoạt điều chỉnh chiến dịch tiếp thị các dịch vụ của mình.
Ths. Đào Mộng Uyển
Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Khánh Hòa
Tài liệu tham khảo
- Bùi Thị Thanh Thuỷ (2015), Marketing – Hoạt động thiết yếu của các thư viện đại học Việt Nam. Truy cập tại: https://hvtc.edu.vn/tabid/558/catid/143/id/16393/Marketing--Hoat-dong-thiet-yeu-cua-cac-thu-vien-dai-hoc-Viet-Nam/Default.aspx
- Bùi Thị Thanh Thuỷ, Lê Thị Hương (2014), Truyền thông marketing thư viện trong kỉ nguyên số. Truy cập tại: https://pdfs.semanticscholar.org/9da7/68ad2eda79c1757f373c152d1ceb01227bf6.pdf
- Bùi Thị Thu Hà (2017), Các xu hướng ứng dụng trang web trong hoạt động thư viện - thông tin, Tạp chí Thư viện Việt Nam, Số 3, Tr. 25-29
- Hannelore Vogt (2016), Thư viện trong kỷ nguyên số: Các dịch vụ sáng tạo và sự chuyển đổi không gian, Tạp chí Thư viện Việt Nam, Số 4, Tr. 9-12
- Jim Lynch (2019), Library Tech Trends for 2019. Access at: http://www.techsoupforlibraries.org/blog/library-tech-trends-for-2019
- Mu, C. (2007), Marketing academic library resources and information services to internationl students. Library management and marketing ib a multicultural world, Publication 125, 47-61
- Vũ Quỳnh Nhung (2011), Marketing thư viện trong thời đại số, Kỷ yếu “Sự nghiệp Thông tin Thư viện Việt Nam- Đổi mới và Hội nhập Quốc tế”, Đại học Quốc Gia Hà Nội
- Walters, Suzanne (2004), Library marketing that works, New York: Neal-Schuman Publishers, Inc.
- Zeke Camusio. Cẩm nang marketing trực tuyến. - H.: Khoa học và Kỹ thuật, 2013