Ngày đăng bài: 26/02/2020 16:23
Lượt xem: 353
TÁC ĐỘNG CỦA DỊCH COVID-19 ĐẾN KINH TẾ VIỆT NAM

Dịch virus corona Vũ Hán 2019–20, được  hiểu là dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona, là một dịch bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus Corona chủng mới, đã bùng phát vào giữa tháng 12 năm 2019 tại thành phố Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc ở miền Trung Trung Quốc. Sự lây nhiễm từ người sang người đã được xác nhận cùng với tỉ lệ bùng phát dịch tăng nhanh vào giữa tháng 1 năm 2020. Tính tới ngày 21.2.2020 đã gây ra tổng số 75.777 số ca nhiễm và 2130 người tử vong trên 30 quốc gia[1] trong đó riêng Trung Quốc có 74.579 người (chiếm 98%) với số ca tử vong là 2.119 người (chiếm 99%). Đáng chú ý dịch bệnh đã bùng phát phức tạp tại Hàn Quốc trong những ngày gần đây. Ngày 11 tháng 2 năm 2020, WHO đã đặt tên cho bệnh này là COVID-19.

Tại Việt Nam, ca nhiễm bệnh đầu tiên được ghi nhận ngày 23/01/2020 tại TP.HCM. Ngày 01/02/2020 Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc đã chính thức công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona gây ra tại Việt Nam, xác định đây là bệnh truyền nhiễm nhóm A nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu và lây truyền từ người sang người. Đến ngày 21/02/2020 Việt Nam đã ghi nhận 16 trường hợp dương tính với virus, 16/16 người đã khỏi bệnh và xuất viện về nhà. Mặc dù nằm trong vùng có nguy cơ lây nhiễm rất cao do có chung đường biên giới với Trung Quốc, Việt Nam đã có những biện pháp triển khai đồng bộ, quyết liệt và kịp thời, số ca lây nhiễm của Việt Nam rất ít (16 trường hợp) và được WHO đánh giá thành công trong kiểm soát dịch.

Mặc dù dịch COVID-19 ở Việt Nam được kiểm soát tốt, Việt Nam vẫn hứng chịu nhiều thiệt hại về kinh tế do ảnh hưởng của dịch COVID19. Những tác hại này đến trực tiếp từ việc tê liệt các hoạt động đời sống xã hội Trung Quốc, dẫn tới sự suy giảm các hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này cũng như đến trực tiếp từ các biện pháp phòng chống lây lan dịch bệnh từ đất nước có chung đường biên giới với ta  như yêu cầu cách ly y tế, hoãn hủy các chuyến bay tới Trung Quốc và đến từ Trung Quốc, cấm nhập cảnh người Trung Quốc hoặc người nước ngoài quá cảnh tại sân bay Trung Quốc, tạm đóng cửa biên giới với Trung Quốc.

Thứ nhất, dịch bệnh đã tác động rõ nét đến tình hình sản xuất kinh doanh của một số ngành  như (i) Du lịch; (ii) Bán lẻ; (iii) Vận tải;

Với ngành du lịch: Đây là nhóm ngành có doanh thu thiệt hại nghiêm trọng nhất bởi ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhiều chặng quốc tế đến khu vực Trung Quốc (chiếm 32% tổng lượt khách năm 2019) đã dừng khai thác chuyến bay trong tháng 2/2020, khách du lịch nội địa giảm, khách nước ngoài cũng hạn chế đến Việt Nam là khu vực ngay sát vùng dịch. Cục Hàng không ước tính thiệt hại của ngành du lịch đến 10/02/2020 lên đến hơn 10.000 tỷ đồng. Doanh thu các dịch vụ đi kèm như vận chuyển (đặc biệt là hàng không), lưu trú, ăn uống cũng sụt giảm, nhiều khách sạn phục vụ khách Trung Quốc tại khu vực Khánh Hòa công suất buồng phòng hiện chỉ còn dưới 20%. Theo dự báo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, nếu dịch kéo dài hết quý 1 riêng thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế khoảng 2,3 tỷ USD, trường hợp kéo dài hết quý 2 thiệt hại khoảng 5 tỷ USD.

Với ngành bán lẻ: Xét về tổng thể dịch bệnh sẽ tác động tiêu cực đến doanh thu ngành bán lẻ trong năm 2020, Bộ Kế hoạch & Đầu tư dự báo nếu dịch cúm vẫn kéo dài thì tăng trưởng bán lẻ cả năm 2020 khoảng 11-11,5% giảm nhẹ so với năm 2019 (11,86%). Tuy nhiên trong đó một số tiểu ngành vẫn sẽ nhận được ảnh hưởng tích cực. Theo đánh giá của SSI, xu hướng người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm chế biến sẵn, hạn chế không đến nơi công cộng để tránh khả năng lây nhiễm virus sẽ giúp thúc đẩy tiêu thụ nhóm ngành thực phẩm, đồ uống. Tiêu dùng sẽ chuyển hướng sang các sản phẩm bảo vệ sức khỏe cần thiết (dược phẩm) thay cho các mặt hàng công nghệ thông tin và truyền thông, giải trí, tuy nhiên riêng ngành y dược phẩm cũng sẽ gặp khó khăn trong sản xuất khi nguyên liệu ngoài một phần nhỏ nhập từ Ấn Độ thì phần lớn nhập từ Trung Quốc. Thói quen tiêu dùng có thể chuyển từ chợ truyền thống sang hình thức thương mại hiện đại và mua sắm trực tuyến để đảm bảo an toàn vệ sinh, hạn chế tiếp xúc.

Với ngành vận tải và dịch vụ liên quan: Hoạt động vận tải cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh trong đó lớn nhất là lĩnh vực hàng không. Thống kê của Cục hàng không từ ngày 01/02-07/02 tổng thị trường vận chuyển hàng không Việt Nam đạt 1,95 triệu khách giảm 4,5% so với cùng kỳ 2019 với thị trường quốc tế giảm 14,1%. Việc tạm dừng khai thác thị trường Trung Quốc, dừng nhập cảnh hành khách đã qua Trung Quốc trong vòng 14 ngày, lượt khách từ thị trường nước ngoài và khách nội địa cũng giảm vì dịch cúm, đồng thời các hãng vận tải phải tăng chi phí hoàn trả, hủy vé, chi phí phòng dịch... sẽ làm sụt giảm doanh thu và biên lợi nhuận của các hãng hàng không. Với vận tải biển, các hãng lớn như Maersk, MSC Mediterranian Shipping, Hapag – Lloyd và CMA-CGM đã giảm số lượng tàu biển có hải trình kết nối với Trung Quốc, HongKong, Ấn Độ, Canada, Mỹ và Tây Phi. Vận tải đường bộ và đường sắt cũng bị sụt giảm do ảnh hưởng lượng khách đi du lịch, lễ hội giảm. Theo đó các dịch vụ kho bãi, hỗ trợ vận tải cũng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực kèm theo đặc biệt là dịch vụ hỗ trợ hàng không như dịch vụ quản lý bay, dịch vụ cảng hàng không. Bộ Kế hoạch & Đầu tư dự báo giá trị tăng thêm ngành vận tải chỉ đạt 5,1% trong quý I và 6-6,12% trong quý 2, thấp hơn mức 7,51% và 7,89% của cùng kỳ năm trước.

Thứ hai, tác động tới vốn đầu tư FDI: Dịch Covid-19 nếu cộng hưởng với các rủi ro địa chính trị, rủi ro chiến tranh thương mại… cũng khiến cho môi trường chính trị, kinh tế, xã hội toàn cầu càng trở nên bất trắc, thúc đẩy tâm lý phòng vệ, co lại, do đó làm suy yếu động lực đầu tư  và tiêu dùng. Dịch bệnh tác động trực tiếp làm suy giảm vốn đầu tư từ các doanh nghiệp FDI từ Trung Quốc (dự báo giảm mạnh trong quý 1/2020) và có ảnh hưởng tuy không đáng kể đến số liệu thu hút đầu tư nước ngoài cả năm 2020. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cả năm 2020 dự kiến giảm từ 39,6 tỷ USD trong kịch bản không có dịch bệnh xuống còn 38,2-38,6 tỷ USD tuy nhiên vẫn tăng nhẹ so với mức 38 tỷ USD của năm 2019. Mặt khác, dịch bệnh lan rộng phức tạp tại Trung Quốc và tình trạng nghỉ làm, đóng cửa các cơ sở sản xuất vì dịch bệnh của Trung Quốc sẽ tạo thêm lý do thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế của Mỹ, hay để hưởng lợi từ giảm thuế của EU dành cho hàng xuất khẩu Việt Nam[2].

Thứ ba, tác động tiêu cực tới đầu vào sản xuất hàng xuất khẩu và tiêu dùng do gián đoạn nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị

Dịch bệnh ảnh hưởng sụt giảm nhập khẩu từ Trung Quốc các mặt hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, nguyên phụ liệu dệt may, da giày... là đầu vào trọng yếu của các doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi cung ứng các mặt hàng điện thoại, điện tử, máy tính, dệt may, da giày, phụ tùng ô tô…. Hầu hết các ngành công nghiệp của Trung Quốc đóng cửa trong 2 tuần đầu tiên của năm mới sau tết âm lịch, một số nơi đã lùi lịch bắt đầu hoạt động đến 14/2 vì hàng triệu người vẫn bị phong tỏa tại các thành phố trên cả nước, nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam đã giảm hơn 20% trong tháng 1/2020. Trong cả năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính nhập khẩu máy móc thiết bị phụ tùng từ Trung Quốc sẽ giảm từ 10-11%, nguyên nhiên vật liệu giảm 16-24%, hàng tiêu dùng giảm 17-27% so với năm trước. Việt Nam có thể nhập khẩu nguyên vật liệu bù từ các quốc gia khác như Hàn Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Brazil… tuy nhiên việc chuyển hướng nhập khẩu có độ trễ, hoạt động sản xuất có thể bị ảnh hưởng trong ít nhất 1-3 tháng tới. Theo Báo cáo của Bộ KH&ĐT gửi Chính phủ, LG sẽ không có nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh nếu dịch COVID-19 kéo dài sang tháng 3, hàng tram Container bị ách tắc tại của khẩu Lạng Sơn nếu không thông quan có thể giảm tới 50% doanh số của Samsung trong năm 2020.

 

Hình 1: Nhập khẩu một số mặt hàng chính của Việt Nam tháng 1/2020

 

Nguồn: Tổng cục Hải quan

 

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 1/2020 đạt 18,32 tỷ USD giảm 18,8% so với tháng trước và giảm 17,4% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 1/2020 cũng chỉ đạt 18,6 tỷ USD giảm 16,6% so với tháng trước và giảm 13,7% so với cùng kỳ năm trước, cán cân thương mại hàng hóa cả nước trong tháng đầu tiên thâm hụt 232 triệu USD, ngược với xu hướng thặng dư 639 triệu USD trong tháng 01/2019. Sự sụt giảm kim ngạch tháng 1 chủ yếu do số ngày làm việc của tháng chỉ có 17 ngày, trị giá xuất khẩu tính theo ngày trong tháng tăng 12% và trị giá nhập khẩu tính theo ngày tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên theo thống kê của Tổng cục Hải quan trong 3 ngày sau Tết (30/01/2020, 31/01/2020, 03/02/3030), tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ bằng 63% và nhập khẩu chỉ bằng 70% ngày làm việc thông thường trong tháng 1/2020 trước đó[3].   

  • Xuất khẩu nông sản của Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh nhất từ dịch bệnh do Trung Quốc - thị trường xuất khẩu chính – đóng cửa các cửa khẩu, phong tỏa nhiều khu vực để kiểm soát dịch trong khi sản phẩm nông thủy sản đặc thù không bảo quản được lâu. Dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu nông sản từ Việt Nam 2 tuần sau Tết. Hàng hóa xuất khẩu theo hình thức cửa khẩu đường bộ thời gian giao hàng, thông quan kéo dài do phải thực hiện các kiểm dịch y tế nghiêm ngặt ở hai đầu xuất và nhập.
  • Xuất khẩu thủy sản sẽ bị ảnh hưởng nặng nề trong quý 1 do nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc thông báo tạm dừng giao hàng đến hết nửa đầu tháng 2/2020. Xuất khẩu sang các cửa khẩu hiện chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc vì vậy việc đóng cửa các cửa khẩu do dịch có thể làm giảm ít nhất 20% xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm. Bộ Công thương dự báo xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang Trung Quốc có thể giảm từ 5-8% so với cùng kỳ năm ngoái theo kịch bản lạc quan nhất dịch viêm phổi được kiểm soát trong vòng chưa tới 3 tháng. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo với kịch bản tích cực tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cả năm có thể tăng trưởng 8% tương đương năm 2019 đạt mốc 9,25 tỷ USD, với kịch bản xấu hơn tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả năm chỉ tăng 3-4% đạt 8,9 tỷ USD[4].
  • Xuất khẩu điện thoại và linh kiện: Trung Quốc là thị trường đứng đầu trong nhập khẩu điện thoại và linh kiện các loại từ Việt Nam, mặt hàng này kim ngạch xuất khẩu trong tháng 1/2020 chỉ đạt 2,69 tỷ USD giảm 18% so với cùng kỳ năm trước.
  • Xuất khẩu dệt may: Theo ước tính của Vitas ngành dệt may phải nhập khoảng 60-70% vải và nguyên phụ liệu các loại từ Trung Quốc trong đó nhập khẩu vải chiếm nhiều nhất. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam trong ngắn hạn sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi gián đoạn cung cấp từ các nhà cung cấp nguyên vật liệu sợi, vải... từ Trung Quốc trong khi việc chuyển hướng nhập khẩu từ Hàn Quốc, Thái Lan hay Ấn Độ chưa thể thực hiện được ngay.

 

 

 

 

 

Hình 2: Xuất khẩu một số mặt hàng chính trong tháng 1/2020

Nguồn: Tổng cục Hải quan

 

Kết luận

Dịch cúm virus corona có nhiều tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực kinh tế của Việt Nam với những diễn biến phức tạp, khó dự đoán và sẽ ảnh hưởng chính đến GDP trong    quý I. Cầu tiêu dùng tháng 1 vẫn duy trì ở mức khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2020 tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước nhưng dự báo trong các tháng tiếp theo cầu tiêu dùng sẽ có xu hướng sụt giảm do dịch bệnh ảnh hưởng đến doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống, doanh thu dịch vụ lữ hành. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2020 chính phủ đã đặt ra khó có thể thực hiện được. Việt Nam đang chú trọng thúc đẩy một số thị trường xuất khẩu ngoài Trung Quốc như yêu cầu Ấn Độ giảm rào cản thương mại xuất khẩu đối với các mặt hàng tiêu đen, hạt điều, đẩy mạnh xuất khẩu rau quả và cá tươi.... Tuy nhiên những hoạt động này chưa thể thực hiện ngay bởi vậy sản xuất xuất khẩu nông thủy sản sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực trong 1-2 quý tới.

Đứng trước tình hình hiện nay, nhiều Bộ ngành đã thực hiện rà soát, kiến nghị Chính phủ các cơ chế thuộc thẩm quyền của Chính phủ nhằm thúc đẩy các ngành có thiệt hại. Hiện nay các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cũng đang được thực hiện đồng loạt trong hệ thống ngân hàng như giảm lãi suất vay vốn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay… đối với khách hàng chịu thiệt hại do bệnh dịch thuộc các nhóm ngành sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản, xuất nhập khẩu, dịch vụ du lịch lữ hành, hàng không, vận tải kho bãi, sản xuất năng lượng….

 

 

[1] Theo Cục y tế dự phòng, Bộ y tế

[3] https://www.customs.gov.vn/Lists/ThongKeHaiQuan/SoLieuThongKe.aspx?&Group=Số%20liệu%20thống%20kê  Số liệu nhập khẩu xuất khẩu tháng 1/2020.

[4] agrotrade.gov.vn/Pages/xuat-khau-thuy-san-thang-1-2020-giam-25-.aspx